Vào sáng ngày 26/3, tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) thuộc Đại học Đà Nẵng, TS. Bùi Hữu Phú – Chủ tịch NLT Group kiêm NLT Academy đã tham gia với tư cách đối tác giáo dục trong chuỗi sự kiện khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại TP. Đà Nẵng, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đầy tiềm năng của Việt Nam.

Sự kiện có sự góp mặt của đại diện UBND Thành phố Đà Nẵng, các Sở, Ban, Ngành thành phố, cùng đại diện các tổ chức quốc tế như Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Hồ Chí Minh – Bà Susan Burn, Phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng – Ông Shimonishi Kiyoshi, Lãnh sự Đại Hàn dân quốc tại Đà Nẵng – Bà Lim Bora, cùng các lãnh đạo, giảng viên và sinh viên VKU.

su-kien-co-su-tham-gia-dong-dao-tu-nhieu-ben
Sự kiện có sự tham gia từ phía lãnh đạo Thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp cùng nhà trường và sinh viên VKU

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng – Ông Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện Đà Nẵng có khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Tuy nhiên, số lượng kỹ sư vi mạch bán dẫn còn rất hạn chế (khoảng 550 người) so với nhu cầu ngày càng tăng của ngành.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn chất lượng cao, VKU bắt tay hợp tác cùng các đơn vị giáo dục như Synopsys, NLT Academy, Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQG Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) để có thể xây dựng giáo trình thiết kế vi mạch phù hợp thực tế để đào tạo cho sinh viên nhà trường.

chuong-trinh-danh-dau-cot-moc-quan-trong-nganh-cong-nghiep-ban-dan
Chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng đánh dấu cột mốc quan trọng cho ngành công nghiệp bán dẫn 

Theo ước tính của Hiệp hội Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SEMI), đến năm 2030, toàn ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cần khoảng 1 triệu lao động có trình độ cao. Thiếu hụt nhân lực trầm trọng này đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của ngành công nghiệp thiết kế và sản xuất chip trong bối cảnh công nghệ số 4.0.

Xuất phát từ tầm nhìn phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, NLT Group khát khao đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao làm chủ công nghệ then chốt này. Để hiện thực hóa khát vọng đó, NLT Academy đã ra đời với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ 4.0 hàng đầu, đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn nói chung và vi mạch bán dẫn nói riêng tại Việt Nam và khu vực.

Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, chương trình đào tạo thực tế, cùng hệ thống phòng LAB công nghệ tiên tiến, NLT Academy quyết tâm trở thành điểm đến lý tưởng để học viên thực hành, nghiên cứu và phát triển năng lực chuyên môn. Các khóa đào tạo “Kỹ thuật Viên Chuyển Đổi Số Thực Chiến 4.0” và khánh thành phòng LAB “Thực nghiệm và nghiên cứu Công nghệ mới” vào ngày 03/04 tới đây là minh chứng cho cam kết đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số hàng đầu của NLT Academy.

NLT Academy tin rằng, với tầm nhìn chung hướng tới vươn tầm công nghệ bán dẫn Việt Nam ra toàn cầu, sự hợp tác chặt chẽ giữa NLT Academy, VKU và các tổ chức nhà nước tại sự kiện Khởi động Chương trình đào tạo nhân lực Vi mạch bán dẫn tại TP. Đà Nẵng lần này sẽ tạo nên động lực mới. Với nỗ lực của các bên, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn trên trường quốc tế sẽ không còn xa.

NLT Academy

>> Có thể bạn quan tâm: